.

ĐIỀU RĂN CỦA THẦY LÀ: ANH EM HÃY YÊU THƯƠNG NHAU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU THƯƠNG ANH EM (Ga 15,12)

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Nguồn gốc và ý nghĩa Kinh Mân Côi

 

Các biến đổi sôi động trong chương trình Phụng Vụ vào thế kỷ XX cũng như những canh tân Phụng Vụ của Công Ðồng Vatican II đã không hề động chạm tới Kinh Mân Côi mà theo ngôn ngữ đại chúng thường gọi là tràng chuỗi hay tràng hạt Mân Côi. Nhà thần học thời danh Romano Guardini là một trong những thần học gia đã từng có những đóng góp to lớn vào phong trào canh tân Phụng Vụ của Giáo Hội, đã viết trong cuốn sách nổi danh của ông Der Rosenkranz unserer Lieben Frau như sau : « Ðiều mà tràng hạt Mân Côi mang lại là tạo nên được một tình cảm thánh thiện bền vững… Tràng hạt Mân Côi có tính chất thư thái. Người lần hạt Mân Côi tìm gặp được sự an bình của một thế giới trầm lặng và thánh thiện »

Kinh Mân Côi vốn là một phong trào đạo đức giáo dân, nghĩa là phát xuất từ chính các giáo dân, và dần dà đã trở thành một phần của chương trình Phụng Vụ chính thức của Giáo Hội hoàn vũ. Bản chất của Kinh Mân Côi là việc lặp đi lặp lại cách nhịp nhàng các lời kinh nền tảng và thông dụng nhất của Kitô Giáo. Ðó là Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng và Kinh Sáng Danh. Ðây cũng là những kinh đã được trích dẫn từ trong Phúc Âm : Kinh Lạy Cha là kinh chính Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ Người phải đọc khi cầu nguyện, hay nói đúng hơn, đó là cách thức Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện (Mt 7,7-14); Còn Kinh Kính Mừng thì phần đầu: « Kính mừng Maria, đầy ơn phúc … » là lời chào của thiên sứ Gabriel nhân danh Chúa Cha, khi Ngài được sai đi mang tin vui cho Mẹ Maria là Mẹ đã được tuyển chọn làm Mẹ Chúa Cứu Thế (Lc 1,26-38), và lời chào của nữ Thánh Elisabeth khi bà được Mẹ Maria đến viếng thăm (Lc 1,42-43); Còn phần thứ hai: " Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời…" là những lời Giáo Hội dạy con cái mình phải biết thiết tha dâng lên Mẹ, xin Mẹ nguyện cầu trước tòa Chúa cho những ơn phúc hồn xác. Sau cùng, Kinh Lạy Cha là kinh cô đọng những lời chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi của các Thiên Sứ và của các sứ ngôn, như trong đêm Giáng sinh: « Vinh danh Thiên Chúa trên các Tầng Trời…». Trong tông thư Marialis Cultus, Ðức Thánh Cha Phaolô VI đã viết như sau: « Các mầu nhiệm và các công thức chính yếu đều rút trong Phúc Âm. Thái độ người tín hữu phải có khi lần hạt cũng phải dựa trên Phúc Âm, vì bắt đầu bằng lời chào hoan hỉ của Thiên Sứ và tiếng « xin vâng » cung kính của Ðức Mẹ. Các Kinh Kính Mừng tuần tự tiếp theo nhau, nhắc đi nhắc lại một mầu nhiệm căn bản của Phúc Âm: Ngôi Lời nhập thể trong chính giây phút định đoạt, khi Thiên Sứ báo tin cho Ðức Mẹ. Do đó, Tràng Chuỗi Mân Côi là một lối cầu nguyện theo Phúc Âm … »
Việc sắp đặt các kinh như thế đã được các Thầy Dòng ở Ðông Phương thực hành vào các thế kỷ III, IV và V. Nhưng được yêu chuộng và được đọc nhiều nhất là các câu Thánh Vịnh: « Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con. Muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ con! » (Tv 69,2; 70,2).

Ðặc biệt, việc lặp đi lặp lại các Kinh Lạy Cha đối với các Thầy Dòng Ái Nhĩ Lan vào đầu thời trung cổ đóng một vai trò rất quan trọng. Vì vào thời đó đại đa số dân chúng không biết đọc biết viết và chỉ các Thầy Dòng có chức Linh Mục đã được huấn luyện đàng hoàng thì mới đọc và hát được bộ 150 Thánh Vịnh. Còn các Thầy Dòng thường, tức các Thầy Trợ Sĩ hay các Thầy Dòng Nhì, và đại chúng giáo dân vì không biết chữ nên đọc 150 Kinh Lạy Cha là kinh ai cũng có thể đọc thuộc lòng được, và để khỏi bị lẫn lộn khi đọc kinh như thế thì người ta đã dùng một xâu chuỗi 150 hạt để lần. Vào thế kỷ XI cho tới thế kỷ XIII khi Kinh Kính Mừng đã được phổ biến rộng rãi trong Giáo Hội như Kinh Lạy Cha , người ta dùng xâu chuỗi để lần khi đọc Kinh Kính Mừng xen kẽ với Kinh Lạy Cha. Việc đọc kinh hay lần chuỗi như thế được gọi là « Thánh Vịnh giáo dân ».

Còn tràng chuỗi dùng để đọc 50 hay 150 Kinh Kính Mừng như thế thì vào thế kỷ XIII mới được gọi là Tràng Chuỗi Mân Côi mà tiếng Ðức gọi là Rosenkranz (Rosen-Kranz : vòng hoa hồng). Vì ngày xưa để tỏ lòng tôn kính Ðức Trinh Nữ Maria, các giáo dân đã thường kết các vòng hoa và gắn vào các ảnh tượng Ðức Mẹ. Vậy mỗi Kinh Kính Mừng là một bông hoa hồng huyền nhiệm, và 50 hay 150 Kinh Kính Mừng của Tràng Chuỗi Mân Côi là cả một vòng hoa hồng tỏa hương thơm ngào ngạt dâng kính Mẹ Thiên Chúa.

Tuy nhiên, việc đọc liên tục 50 hay 150 Kinh Kính Mừng mà thôi thì chưa phải là lần hạt Mân Côi đúng nghĩa. Nhưng còn phải liên kết các Kinh Kính Mừng đó với các mầu nhiệm hay các biến cố cứu độ trong cuộc đời Chúa Giêsu nữa, tức các biến cố vui trong cuộc đời thơ ấu của Chúa, các biến cố đau thương và các biến cố phục sinh của Người. Như vậy, việc đọc kinh hay lần chuỗi Mân Côi là suy ngắm chính cuộc đời Chúa Cứu Thế!

Từ lâu người ta vẫn quan niệm chính thánh Dominik (Dominicus), Ðấng Sáng Lập Dòng Anh Em Thuyết Giáo hay cũng gọi là Dòng Ða-minh (Ða-minh chuyễn âm của chữ Dominicus) là « cha đẻ » của Kinh Mân Côi. Thực ra thánh nhân chỉ là người « khai triển, phát huy và truyền bá Kinh Mân Côi », chứ không phải là người sáng lập ra Kinh Mân Côi. Dĩ nhiên thánh Ða-minh có một « chổ đứng đặc biệt trong hàng ngũ những người đã có công xây dựng nên tòa nhà Kinh Mân Côi ».

Người đầu tiên đem việc chiêm ngưỡng cuộc đời Chúa Giêsu lồng vào trong Kinh Mân Côi chính là Thầy Dòng Ẩn Tu thuộc tu viện St. Alban ở Trier (Ðức Quốc), một trong những thành phố kỳ cựu nhất của đế quốc Roma, tên là Dominik von Preussen (1384-1460). Theo lời khuyên của Thầy Tu Viện Trưởng, Thầy Dominik đã cầu nguyện hằng ngày với Tràng Chuỗi Mân Côi, dĩ nhiên theo hình thức thông dụng lúc bấy giờ. Tuy nhiên, thầy cảm thấy rất khó lòng cầm trí được khi đọc kinh như thế. Bởi vậy, vào Mùa Vọng năm 1409 thầy đã nẫy sinh tư tưởng là phải kết hợp các biến cố trong cuộc đời Chúa Giêsu với 50 Kinh Kính Mừng. Thầy đã nêu lên từng điểm chiêm ngắm với tên Chúa Giêsu, bắt đầu từ biến cố Truyền Tin và dừng lại ở biến cố Ngày Chúa Quang Lâm để phát xét muôn dân. Thí dụ: « Ðức Giêsu, Ðấng đã được Ðức Trinh Nữ cưu mang do quyền năng tác động của Chúa Thánh Thần », « Ðức Giêsu mà Mẹ đồng trinh vẹn sạch đã sinh hạ trong niềm vui khôn xiết », « Ðức Giêsu, Ðấng mà các mục đồng đã tìm gặp trong máng cỏ Bê-lem », « Ðức Giêsu, Ðấng đã được tiếp đón long trọng tại Giêrusalem trong ngày Lễ Lá », « Ðức Giêsu, Ðấng đã sống lại ngày thứ ba từ trong kẻ chết », v.v…

Các mầu nhiệm Mân Côi đó được Ðan Sĩ Dominik von Preussen trích dẫn từ Phúc Âm ra, và trước hết được áp dụng tại Tu Viện St. Alban ở Trier, về sau từ từ được phổ biến trong các Tu Viện khác trên khắp lục địa mỗi khi lần chuỗi Mân Côi. Tuy nhiên, để Kinh Mân Côi và việc chiêm ngắm các mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Cứu Thế được phổ thông, dễ thực hành cho đại chúng giáo dân thuộc mọi tầng lớp, nghĩa là cho mọi người dù biết chữ hay không cũng đều có thể lần hạt Mân Côi được, thì vào năm 1475 các Tu Sĩ Dòng Ða-minh ở Köln đã tóm tắt 50 « Mầu Nhiệm » của Trier thành 15 như chúng ta thấy ngày nay. Ðó là Năm Sự Vui, Năm Sự Thương, Năm Sự Mừng. Cũng vào năm đó Huynh Ðoàn các Thầy Mân Côi (Rosenkranzbruderschaft) được thành lập. Sau cùng là Năm Sự Sáng được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thiết lập qua Tông Thư Rosarium Virginis Mariae đề ngày 16.10.2002. Ðó là những mầu nhiệm thuộc về cuộc đời công khai của Chúa Giêsu : Khởi đầu là Phép Rửa tại sông Gio-đan, Tiệc Cưới Ca-na, Chúa rao giảng Tin Mừng, Chúa biến hình trên núi, và Chúa lập Phép Thánh Thể.

Nói tóm lại, tuy Kinh Mân Côi mang danh là để tôn kính Mẹ Maria, nhưng nguồn gốc và nội dung thâm sâu của nó là một việc tôn thờ Chúa Giêsu. Các mầu nhiệm về cuộc đời, sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu được nhắc đi nhắc lại trong Kinh Mân Côi. « Những gì Chúa đã làm cho loài người chúng ta và cho phần rỗi chúng ta » là chính trọng tâm của Kinh Mân Côi. Ðức Giêsu « đầy phúc lạ », vì « Người đã yêu thương những kẻ thuộc về mình và Người yêu thương họ đến cùng » (Ga 13,1. Bởi vậy,cũng trong tông thư Marialis cultus, Ðức Phaolô VI còn viết: « Là kinh nguyện dựa trên Phúc Âm mà trọng tâm là mầu nhiệm Nhập Thể Cứu Chuộc, Tràng Hạt Mân Côi vì vậy có chiều hướng rõ rệt quy hướng về Ðức Kitô. Ðặc điểm quan trọng nhất của Kinh Mân Côi là việc lặp đi lặp lại Kinh Kính Mừng, và như thế là lặp đi lặp lại lời ca ngợi Ðức Kitô, đối tượng tối hậu của lời chào Thiên Sứ khi truyền tin và lời chào của thánh nữ Elisabeth dành cho Ðức Mẹ: ‘Con lòng Bà đây ơn phúc.' Kinh Kính Mừng là bối cảnh cho việc suy ngắm các mầu nhiệm : Trong mỗi Kinh Kính Mừng, Chúa Giêsu là chính Ðấng mà các mầu nhiệm tuần tự nhau đưa ra cho ta chiêm ngắm, như: Con Thiên Chúa, Con Ðức Trinh Nữ, được sinh ra trong hang đá Bêlem, được dâng vào đền thờ, trong tuổi niên thiếu đã hăng hái lo việc của Cha, sầu khổ trong vườn cây dầu, bị đánh đòn và bị đội mão gai, bị vác thập giá và chịu chết trên núi sọ, phục sinh và lên Trời ngự bên cạnh Chúa Cha trong vinh quang hầu tuôn đổ ơn Thánh Linh xuống tràn trề…. Qua Ðức Kitô, Thiên Chúa Cha được ca ngợi, vì chính Người « đã quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình làm hy lễ đền tội cho thế gian » (Ga 3,16). Như thế, Kinh Mân Côi là sự tưởng niệm trọn vẹn cuộc đời Chúa Giêsu từ khi giáng sinh làm người cho tới lúc sống lại khải hoàn và lên trời vinh quang, đồng thời ca tụng Thiên Chúa Cha từ ái. Thực vậy, Kinh Mân Côi là một phương tiện tôn thờ Thiên Chúa cách đơn sơ nhưng thâm thúy và hoàn hảo nhất của chương trình Phụng Vụ của Giáo Hội. Trong Tông Thư về Kinh Mân Côi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng viết: « Thực ra việc lần hạt Mân Côi không gì khác hơn là cùng với Mẹ Maria chiêm ngắm Thánh Nhan Chúa Kitô ».

Bởi vậy, mỗi lần hiện ra với con cái loài người khắp nơi trên thế giới, như ở Lộ Ðức (Pháp) năm 1858, ở Fatima (Bồ Ðào Nha) năm 1917, ở Banneux (Bỉ) năm 1933, v.v… Ðức Mẹ đều mang trên tay Chuỗi Tràng Hạt Mân Côi. Ðiều đó muốn nói lên tầm quan trọng của việc tôn thờ Thiên Chúa qua việc lần hạt Mân Côi. Ðặc biệt tại Fatima, một trong ba mệnh lệnh tối hậu mà Mẹ muốn nhắn nhủ con cái loài người là: « Chúng con hãy siêng năng lần hạt Mân Côi !» Ðồng thời cũng chứng minh cho chúng ta thấy rằng việc đa số các Kitô hữu thuộc hệ phái Tin Lành hay một số ít các Kitô hữu Công Giáo phê bình hoặc phủ nhận việc tôn sùng Mẹ Maria và việc Lần Hạt Mân Côi, vì họ cho đó là việc làm giảm thiểu lòng tôn thờ Thiên Chúa, là cả một sự ngộ nhận đáng trách và là một sai lầm vô cùng tai hại. Họ tỏ ra không hiểu thấu nội dung và ý nghĩa của Kinh Mân Côi và đồng thời tự đánh mất niềm vui thánh thiện và những cảm xúc ngọt ngào êm ái của linh hồn khi được an giấc trong cung lòng hiền mẫu của Mẹ Maria và được Mẹ dìu dắt đến gần Chúa Giêsu, Con Mẹ hơn!

Thực ra, giữa Thiên Chúa và nhân loại chỉ có một Ðấng Trung Gian duy nhất là Ðức Giêsu Kitô, Ngôi Hai xuống thế làm người, mà thôi. Còn Mẹ Maria chỉ là một tạo vật, dù là một tạo vật thánh đức tuyệt vời khôn sánh, vượt trên các Thiên Thần và các Thánh. Vì thế, Mẹ chỉ cầu thay nguyện giúp cho con cái loài người mà Mẹ hằng đầy lòng thương yêu, ấp ủ chở che trước tòa Chúa Giêsu con Mẹ, như Mẹ đã làm xưa tại tiệc cưới Cana (Ga 2,1-12). Chính Thiên Chúa mới là Ðấng ban cho ta mọi ơn thánh. Do đó, chúng ta cầu nguyện Thiên Chúa cùng với Mẹ Maria - Per Mariam ad Jesum: qua Mẹ Maria đến cùng Chúa Giêsu. Ðàng khác, chính Chúa Giêsu luôn mong muốn con cái loài người biết tôn kính và mến yêu Mẹ Chí Thánh của Người. Trước khi tắt thở trên Thánh Giá, Người đã công khai trối Mẹ Người cho tất cả chúng ta qua thánh Gioan (Ga 19,27). Chính Chúa Cha chắc hẳn là Ðấng đầu tiên tôn vinh Mẹ Maria khi Người sai Thiên Sứ Gabriel đến cùng Mẹ và đã trân trọng chào Mẹ: « Kính chào Trinh Nữ Maria, Trinh Nữ là người đầy mọi ơn phúc… hơn tất cả mọi người phụ nữ khác! » Và rồi đầy yêu thương trìu mến, Người đã nhẫn nại chờ đợi câu trả lời, chờ đợi hai tiếng « Xin vâng – Fiat » khiêm tốn và phó thác của Mẹ.

Bởi vậy, các phong trào tôn sùng Mẹ Maria qua Tràng Chuỗi Mân Côi là điểm son của chương trình phụng vụ của Giáo Hội, là nguồn tuôn đổ mọi ơn phúc thiên đàng xuống trên con cái loài người. Mỗi lời Kinh Ave Maria – Kính Mừng Maria được cất lên là một cung đàn huyền diệu làm ngẩn ngơ say mê cả muôn Triều Thần Thánh. Ave Maria là điệu ru, là hơi thở của những con tim tràn đầy tình yêu Chúa. Ave Maria là nguồn cảm hứng bất tận của các thi sĩ :

“ Maria, linh hồn con ớn lạnh,
“ Run như run thần tử thấy long nhan.
“ Run như run hơi thở chạm tơ vàng,
“ Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.
…….
“ Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Gabriel,
“ Khi Người xuống truyền tin cho Thánh Nữ,
“ Người có nghe xôn xao muôn tinh tú?
“ Người có nghe náo động cả muôn trời?
“ Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời?”

(Hàn Mặc Tử, Bài thơ Ave Maria)

LM Nguyễn Hữu Thy

8 nhận xét:

  1. Trả lời
    1. Hihi...ừa !
      http://seablogs.zenfs.com/u/7iwhmRuaER78e8vTlQCLDB5zuGIMU5nMJR45LUE-/photo/ap_20101102062703319.jpg

      Xóa
  2. Chị Mộng Bình chịu khó sưu tầm quá, giúp cho mỗi tín hữu hiểu hơn về tràn chuỗi Mân Côi. Em sang thăm chị và chúc chị luôn vui và bình an.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vì có người bạn hỏi Chuỗi Mân Côi nghĩa là gì ? nên mình pots bài này lên để cùng các bạn đọc và hiểu thêm.
      Cảm ơn Trâm Anh và chúc bạn luôn vui khỏe và hăng say trong việc tông đồ phục vụ nhé !

      Xóa
  3. Một ngày tràn đầy ân phúc Bạn nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn nhiều. Chúc MC đêm an lành ngọt ngào nhé !
      http://www.magiwebs.com/cards/ecard_images/img_mwthanks024.jpg

      Xóa
  4. -Sao em ko đọc được entry quan điểm của anh về cuộc sống vậy !!!??? Anh boxì Maika rồi ha? hic...
    LB có trả lời Maika trong:
    http://nhagomlabang.blogspot.com/2013/10/460-trai-at-van-quay-cuong-trong-vu-tru.html?showComment=1381323690957#comment-c8764183458491889071
    Ui, đường dẫn dài quá, tối vui nghen thiên thần.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đọc roài, xí Tem về roài nè ! Entry dài, đường dẫn cũng dài...hì

      Xóa

- Cảm ơn các bạn ghé thăm và comment
* Các bạn có thể copy link hình và dán trực
tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ * .
(Lưu ý: Định dạng đuôi ảnh 'JPG','GIF','PNG','BMP')

Lời nguyện

Xin đừng làm rạng rỡ chúng con
Vâng lạy Chúa, xin đừng
Nhưng xin cho danh Ngài rạng rỡ
Bởi vì Ngài thành tín yêu thương
(Tv.115,1)(113b)